Hiệu suất làm việc ra đời nhằm mục đích cụ thể hóa những kết quả mà doanh nghiệp đã đạt được. Cùng với các chỉ số đánh giá khác, ban lãnh đạo sẽ có cái nhìn tổng thể về tình hình kinh doanh và đưa ra những quyết định cho các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp mình. Vậy, cụ thể hiệu suất làm việc là gì? Cách tính hiệu suất công việc như thế nào? Hãy cùng Luật Vạn Tin giải đáp những thắc mắc này trong nội dung bài viết sau đây nhé!
Hiệu suất làm việc là gì?
Hiệu suất làm việc là chỉ số để đo lường mức độ hiệu quả của nguồn lực công ty. Định nghĩa này được hiểu cụ thể như sau:
- Nếu nhân viên tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức để hoàn thành công việc thì hiệu suất làm việc càng thấp.
- Mục tiêu công việc được hoàn thành trong thời gian sớm nhất đồng thời nhân lực và tài chính bỏ ra ít tức là hiệu suất làm việc cao.
Chúng ta có thể xem xét 1 ví dụ:
Trong thời gian 30 phút, công nhân A làm được 30 sản phẩm, trong khi đó công nhân B chỉ tạo ra được 20 sản phẩm. Như vậy, hiệu suất làm việc của công nhân A sẽ cao hơn công nhân B.
Tuy nhiên, ngoài việc đánh giá hiệu suất dựa vào số lượng sản phẩm tạo ra, chúng ta cũng cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm. Số lượng sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt hoặc sai quy cách tiêu chuẩn thì không thể coi là đạt hiệu suất công việc cao.
Công thức tính hiệu suất làm việc cho doanh nghiệp
Công thức tính hiệu suất làm việc cho doanh nghiệp cụ thể như sau:
Hiệu suất công việc = Kết quả đã đạt được/ Chi phí doanh nghiệp bỏ ra.
Từ công thức trên ta thấy:
- Hiệu suất công việc được hình thành từ 2 yếu tố đó là kết quả đạt được trong một khoảng thời gian và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.
- Kết quả đạt được và hiệu suất công việc sẽ tỷ lệ thuận với nhau. Kết quả càng cao thì hiệu suất càng lớn. Ngược lại, chi phí cao, kết quả đạt được ít thì hiệu suất công việc càng thấp.
- Để đạt được hiệu suất công việc cao, doanh nghiệp cần thực hiện đồng thời giảm chi phí bỏ ra và gia tăng thêm kết quả đạt được.
Cách tính hiệu suất làm việc của nhân viên tại doanh nghiệp
Trên thực tế có nhiều phương pháp tính hiệu suất làm việc của nhân viên và mỗi doanh nghiệp sẽ có một cách tính khác nhau. Thông thường, chúng ta có thể dựa vào các tiêu chí sau đây:
1. Dùng biểu đồ xếp hạng nhân viên
Biểu đồ xếp hạng phù hợp với các loại hình kinh doanh sản suất sản phẩm vì chúng đánh giá được cụ thể và chính xác hiệu suất làm việc của nhân viên. Kết quả đạt được sẽ là các sản phẩm được tạo ra. Chi phí thông thường là thời gian, sức lực và tài chính. Thông qua bảng xếp hạng, nhà quản lý sẽ thấy được những hạn chế và tìm ra giải pháp khắc phục.
2. Thực hiện đánh giá chéo giữa các nhân viên trong phòng/bộ phận
Đánh giá chéo cũng là một cách để xác định hiệu suất làm việc của các nhân viên. Đối với các doanh nghiệp lớn thì việc quan sát và tiếp cận nhân viên từ người lãnh đạo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự giám sát giữa các nhân viên với nhau sẽ tạo động lực làm việc, nâng cao tính tự giác, đồng thời giảm tải được một số lượng lớn công việc cho người quản lý. Tuy nhiên, lãnh đạo cần phải có sự chọn lọc thông tin chính xác, tránh xảy ra tình trạng thiếu công bằng và không trung thực của một số bộ phận nhân viên.
3. Thu thập thông tin từ người quản lý trực tiếp
Phía trên người quản lý trực tiếp từng bộ phận sẽ có những người/ban quản lý cao hơn. Để đánh giá hiệu suất làm việc của một bộ phận nói chung hay cá nhân nói riêng cần phải có nhiều yếu tố.
Kênh thông tin từ người quản lý trực tiếp là vô cùng quan trọng. Đây là người theo dõi sát sao nhất công việc cũng như thái độ làm việc của nhân viên. Một nhân viên tạo ra ít sản phẩm nhưng chất lượng sản phẩm tốt, tiêu thụ nhanh thì hiệu suất công việc cũng được đánh giá là tốt.
4. Sử dụng một số công cụ phần mềm quản lý
Trên thực tế, để đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều sử dụng phần mềm quản lý. Điều này cũng dễ lý giải, bởi doanh nghiệp càng lớn thì việc tính toán hiệu suất làm việc không chỉ đơn thuần dựa vào các kết quả/chi phí bỏ ra.
Bên cạnh đó, các yếu tố về định tính cũng cần phải được xem xét. Khi sử dụng phần mềm quản lý, doanh nghiệp sẽ tổng hợp được các yếu tố này, đánh giá dựa trên cái nhìn tổng quát và đưa ra được một kết quả chính xác nhất.
Phương pháp nâng cao hiệu suất làm việc áp dụng tại các doanh nghiệp
Vậy, làm cách nào để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên? Dưới đây là một số cách mà các doanh nghiệp thường áp dụng:
1. Hãy đưa ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng
Nhân viên chỉ đạt được kết quả công việc tốt khi họ hiểu rõ về các yêu cầu mà doanh nghiệp mong muốn. Chúng ta không thể bắt nhân viên đạt hiệu suất công việc thật cao trong khi các mục tiêu đặt ra không rõ ràng.
Ví dụ, thay vì mục tiêu của doanh nghiệp là đạt được nhiều sản phẩm trong quý I, bạn hãy nói với nhân viên rằng: “Chúng ta cần phải tạo ra 1000 sản phẩm trong quý I”. Như vậy, nếu không tính đến các chỉ tiêu đánh giá khác thì nhân viên nào tạo ra vượt mức 1000 sản phẩm trong quý I sẽ được coi là có hiệu suất công việc cao.
2. Đào tạo và tập huấn nhân viên thường xuyên
Đào tạo cho nhân viên là một cách đầu tư lâu dài để tăng hiệu suất làm việc. Điều này cũng tránh được cách làm việc theo lối mòn và tạo động lực cho nhân viên cống hiến. Đào tạo và tập huấn sẽ giúp nâng cao tay nghề của nhân viên, đồng thời cũng là một cách đãi ngộ nhân viên tốt mà doanh nghiệp có thể áp dụng.
3. Tạo động lực làm việc cho công/nhân viên của bạn
Để nhân viên làm việc hăng say và tạo thêm nhiều kết quả cho doanh nghiệp thì vấn đề cốt lõi chính là tạo động lực làm việc cho họ. Doanh nghiệp nên đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng, góp ý để nhân viên thấy họ đang được tôn trọng. Ngoài ra, các hình thức khen thưởng, động viên cũng là một cách để tạo tạo hứng khởi làm việc toàn thể nhân viên của bạn.
4. Quản trị hiệu suất công việc thường xuyên theo chu kỳ
Theo dõi, đánh giá, so sánh hiệu suất làm việc của các quý, các giai đoạn là cách mà nhiều nhà quản trị áp dụng để nâng cao hiệu suất. Từ sự so sánh này, doanh nghiệp sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho những giai đoạn tiếp theo trong tương lai.
Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp không phải là cách tính hiệu suất công việc mà chính là phương pháp làm cho chỉ số này ngày càng tăng. Hi vọng với các thông tin về hiệu suất làm việc trên đây, các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ có thêm những tham khảo hữu ích. Chúc các bạn thành công!