Ai cũng có thể làm lãnh đạo, những để trở thành một người lãnh đạo tốt, dẫn nhóm của mình đạt được mục đích và đến với thành công lại là một thử thách và đôi khi cần một chút tài năng thiên phú. Để hướng đến mục tiêu của đội nhóm, việc hiểu kỹ các chức năng của việc lãnh đạo là điều rất quan trọng.
Thế nào là một nhà lãnh đạo?
Lãnh đạo là khái niệm rất rộng rãi và trừu tượng, đã từng được định nghĩa theo nhiều cách, bởi nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia. Dưới đây là một số quan điểm khác nhau về định nghĩa này:
Theo Koontz và O’Donnell, “Lãnh đạo là quá trình tác động đến con người sao cho họ cố gắng một cách tự giác và hăng hái thực hiện mục tiêu chung của tổ chức.”
R. Weschler và F. Massarik định nghĩa Lãnh đạo là ảnh hưởng liên nhân cách được thực hiện trong tình huống và được định hướng thông qua quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích chung hoặc những mục đích chuyên biệt.
Còn Hersey và Ken Blanc Hard thống nhất cho rằng Lãnh đạo là một quá trình gây ảnh hưởng đến các hoạt động của một cá nhân hay một nhóm nhằm đạt được mục đích trong tình huống nhất định.
Có nhiều luồng tư tưởng khác nhau cho khái niệm này, tuy nhiên có hai xu hướng riêng biệt trong cách các chuyên gia định nghĩa “lãnh đạo”: đánh đồng và không đánh đồng “lãnh đạo” và “quản lý”. Thực chất, hai khái niệm này vừa có sự tương đồng vừa có sự khác biệt. Tham khảo sự khác biệt của quản lý và lãnh đạo tại đây.
Dựa trên những cơ sở về khái niệm lãnh đạo, các chuyên gia cũng đã đưa ra góc nhìn của họ về chức năng của lãnh đạo. Nói ngắn gọn, chức năng lãnh đạo là việc một người có trách nhiệm xử lý tình huống để quản lý nhóm hoặc tổ chức của mình một cách hiệu quả nhất.
Chức năng lãnh đạo có những đặc trưng riêng có của mình. Đây là một chức năng của quy trình quản lý gắn với các chủ thể chủ thể quản lý. Chức năng lãnh đạo hoạt động trên hai nền tảng cơ bản: Duy trì kỷ cương, kỷ luật và động viên, khích lệ nhân viên. Ngoài ra, chức năng lãnh đạo vừa là một khái niệm mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật vì thế đòi hỏi chủ thể quản lý biết cách vận dụng thuần thục và các tri thức của nhiều khoa học.
Các chức năng của lãnh đạo cần có để vận hành doanh nghiệp
Theo Indeed, nền tảng việc làm lớn trên thế giới, lãnh đạo có bảy chức năng sau đây:
Tổ chức
Người lãnh đạo có chức năng thiết lập tổ chức và hoạt động của cấp dưới của mình một cách hợp lý; biết cách tận dụng điểm mạnh và lợi thế của các cá nhân để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động của tập thể. Đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng và thiết yếu nhất.
Đặt mục tiêu
Đặt ra các mục tiêu cho tổ chức nói chung và các thành viên nói riêng cũng là một trong những chức năng riêng biệt và tạo ra sự khác biệt của người lãnh đạo so với những nhân viên khác. Việc này góp phần khuyến khích nhân viên làm việc một cách tự tin và năng suất nếu được thực hiện hợp lý.
Ngoài ra người lãnh đạo còn có nhiệm vụ xây dựng lộ trình cho các thành viên để đảm bảo cho tương lai và định hướng của họ và cả tổ chức. Hoạt động của nhóm được xây dựng trên nền tảng hướng theo mục tiêu và lộ trình mà lãnh đạo đã lên trước đó, vì vậy đây là một bước không thể bị sai sót, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nhiều bên.
Hoạch định chính sách
Một chức năng trong checklist quan trọng của người lãnh đạo là hoạch định chính sách. Họ đưa ra những quy tắc cần tuân thủ để phối hợp hoạt động một cách hiệu quả trong các dự án chung của nhóm. Bằng việc hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo cũng đặt ra cơ chế để các thành viên trong nhóm làm việc hướng tới những mục tiêu và lợi ích chung của tổ chức.
Đưa ra sáng kiến
Đây là một trong những động lực để nhóm phát triển và tạo ra lợi nhuận. Việc tự tin chia sẻ các ý tưởng sáng tạo của mình giúp các nhà lãnh đạo làm gương, khuyến khích cấp dưới của mình tư duy, được tôn trọng quyền tự do cá nhân và tiếp tục thoải mái chia sẻ những ý kiến hay tạo lợi thế cho tổ chức của mình.
Xây dựng sự hợp tác trong tập thể
Một nguyên tắc trong hoạt động của người lãnh đạo là gắn liền lợi ích của nhân viên với tổ chức, đây là nền tảng để hướng các cá nhân làm việc và tự nguyện cống hiến cho tập thể để hướng tới các mục tiêu chung, với tinh thần thoải mái và không gò bó.
Tạo động lực và định hướng nhân viên
Là chức năng liên quan tới tinh thần nhân viên, tạo động lực và định hướng là một điều cần thiết trong một tập thể nếu muốn đảm bảo sự gắn kết với công ty của thành viên trong nhóm. Người lãnh đạo có nhiệm vụ đánh giá công việc, hỗ trợ khi được yêu cầu và thúc đẩy nhân viên trong nhóm làm việc để đạt được những mục tiêu chung.
Cầu nối giữa người lao động và ban lãnh đạo
Cụ thể, lãnh đạo nhóm có nhiệm vụ giải thích các chính sách và quy tắc cho thành viên trong nhóm, đảm bảo họ nắm rõ các nội dung và hiểu được lợi ích chúng mang lại. Ngược lại, lãnh đạo cũng cần đề đạt những kỳ vọng và yêu cầu của cấp dưới, cũng như giành quyền lợi cho họ trong những xung đột không mong muốn xảy ra trong công việc.
Làm thế nào để làm tốt chức năng lãnh đạo và trở thành một người lãnh đạo giỏi?
Các chức năng lãnh đạo cần một chủ thể lãnh đạo có năng lực và các phẩm chất phù hợp để thực hiện. Những phẩm chất mà một người lãnh đạo cần có để các chức năng lãnh đạo được thể hiện một cách có hiệu quả là:
Lắng nghe là chìa khóa cho mọi khúc mắc
Một nhà lãnh đạo giỏi cần biết kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu các vấn đề của các thành viên trong nhóm để chia sẻ và cố gắng giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.
Hãy kỷ luật!
Người lãnh đạo không chỉ là đầu tàu của tổ chức, mà còn có thể là tấm gương cho cấp dưới học tập, và việc tiếp thu hoàn toàn không thể tránh khỏi tiêu cực, vì vậy, người lãnh đạo cần chuẩn bị tốt trong mọi việc, trong cả công việc và trong cuộc sống, luôn tích cực và giao tiếp tốt với nhân viên của mình.
Cảnh giác với những nguy cơ tiềm ẩn
Nhiều ví dụ trên thế giới xuyên suốt lịch sử đã cho thấy, những người lãnh đạo giỏi thường có tầm nhìn chiến lược và có khả năng nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình hình tuyệt vời. Cụ thể trong doanh nghiệp, nhìn ra những cơ hội phát triển và làm ăn của team cũng như xác định các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh như xung đột và năng suất thấp trong nhân viên sẽ giúp hành động kịp thời và chủ động đưa ra các giải pháp.
Tích cực nêu và nhận góp ý
Là một nhà lãnh đạo giỏi, việc tiếp thu phản hồi cũng sẽ quan trọng như việc đưa ra nhận xét. Kịp thời đóng góp ý kiến và chủ động khắc phục những yếu điểm của bản thân sẽ mang lại hiệu quả trong team và đạt được hiệu suất làm việc cao hơn trong nhóm.
Chức năng lãnh đạo có thể được coi là đầu tàu của sự vận hành và phát triển doanh nghiệp, là yếu tố không thể thiếu trong động lực phát triển công ty. Thực hiện tốt các chức năng lãnh đạo giúp nhóm đoàn kết và hoạt động hiệu quả, từ đó đạt được những mục tiêu và thành công đề ra ban đầu.