Marketing là ngành nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm và muốn trải nghiệm. Một trong những mô hình khá hiệu quả mà các marketer sử dụng phổ biến hiện nay chính là Marketing Funnel. Vậy, Marketing Funnel là gì? Để xây dựng phễu marketing cần những bước nào? Luật Vạn Tin sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Marketing Funnel là gì?
Marketing Funnel được dịch là phễu marketing hay phễu tiếp thị, mô tả hành trình mua hàng của khách từ giai đoạn tiếp cận đến khi chuyển đổi thành khách hàng thật sự. Marketing Funnel được hình thành từ 4 ý tưởng sau:
- Attention – Sự chú ý: Khách hàng tiềm năng bị thu hút bởi quảng cáo, các thông tin trên mạng xã hội hoặc từ những người xung quanh.
- Interest – Sở thích: Khách hàng tiềm năng nhận thấy rằng bạn có thể đáp ứng được các vấn đề của họ. Từ đó có nhu cầu tìm hiểu thêm về sản phẩm và dịch vụ.
- Desire – Mong muốn: Khách hàng tiềm năng đã tìm hiểu xong, khả năng chuyển đổi cao.
- Action – Hành động: Chuyển đổi thành công, khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự và có hành động cụ thể như mua hàng, đặt lịch hẹn, đăng ký sử dụng dịch vụ…
Lợi ích của việc sử dụng phễu marketing trong doanh nghiệp
Lợi ích đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của phễu marketing chính là việc giúp doanh nghiệp mô hình hoá được hành trình của khách hàng. Ngoài ra, một số lợi ích khác mà Marketing Funnel đem lại cho doanh nghiệp có thể kể đến là:
Nâng cao tỷ lệ chuyển đổi
Doanh nghiệp có thể thu hút nhiều khách hàng chú ý đến sản phẩm. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó sẽ mua hàng của công ty bạn. Phễu marketing sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng phương án tiếp cận đồng thời thuyết phục khách hàng lựa chọn. Quá trình này cần đầu tư cả về thời gian và công sức. Khi đã hiểu cũng như tạo dựng được lòng tin của khách thì khả năng chuyển đổi sẽ đạt tỷ lệ rất cao.
Nhận biết sớm những điểm chưa tốt để cải thiện hoặc thay đổi
Tất cả các quy trình bán hàng đều có những ưu nhược điểm nhất định, doanh nghiệp không thể chắc chắn rằng chiến lược của mình sẽ làm hài lòng tất cả các khách hàng. Tuy nhiên, với Marketing Funnel, công ty có thể giảm tỷ lệ rơi xuống mức tối thiểu. Phễu marketing gián tiếp phân chia khách hàng theo từng tầng khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng dễ dàng đưa ra phương án tiếp thị phù hợp cho từng giai đoạn.
Khả năng đo lường cao
Nổi bật nhất trong số những ích lợi mà Marketing Funnel đem lại đó là khả năng đo lường chính xác. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể thống kê được lượng khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự. Thông qua con số này, công ty sẽ biết được mình cần phải đầu tư vào giai đoạn nào và thay đổi những gì để đạt được kết quả như kỳ vọng.
5 giai đoạn quan trọng trong Marketing Funnel
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về các giai đoạn trong Marketing Funnel.
Nhận thức – Awareness Stage
Đây là giai đoạn đầu tiên nhưng đóng vai trò quyết định trong việc tập hợp được lượng khách hàng tiềm năng. Chúng ta phải đưa ra những ý tưởng, các kế hoạch để thu hút được sự chú ý từ khách hàng như quảng cáo, triển lãm, tổ chức sự kiện, đăng bài trên các trang mạng xã hội…Khi khách hàng tiềm năng đã được thiết lập, bước tiếp theo chính là nuôi dưỡng niềm đam mê mua hàng của họ.
Cân nhắc – Consideration Stage
Sau khi đã thu hút được một lượng khách hàng ổn định, các marketer hãy cố gắng hướng họ vào việc tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu của công ty. Tập trung vào các sản phẩm chủ yếu và cung cấp thông tin để nhận diện thương hiệu là các công việc chính của chúng ta trong giai đoạn này. Nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển được các mối liên kết với khách hàng và tạo tiền đề ban đầu cho việc biến họ thành các khách hàng thật sự.
Quyết định – Decision Stage
Khách hàng sẽ cân nhắc và đánh giá về ưu nhược điểm giữa sản phẩm của bạn và đối thủ để đưa ra quyết định cuối cùng. Để thuyết phục được họ, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm các khuyến mại, chiết khấu hấp dẫn, khách hàng sẽ thấy được ngoài chất lượng sản phẩm, chính sách chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp cũng rất tốt. Đây cũng là yếu tố để khách hàng quyết định lựa chọn sản phẩm của bạn.
Trung thành – Loyalty Stage
Đến giai đoạn này, chiến lược marketing của bạn đã thành công một nửa. Khách hàng sẵn sàng bỏ tiền để chi trả cho việc sử dụng sản phẩm của công ty bạn. Hãy cho người mua thấy rằng, sự lựa chọn của họ là đúng đắn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có một lượng khách hàng trung thành và ổn định. Công ty có thể xây dựng các hoạt động dịch vụ khách hàng nhằm đem đến những trải nghiệm tích cực cũng như tăng mức độ hài lòng của người sử dụng.
Ủng hộ – Advocacy Stage
Khi khách hàng đã hài lòng và trung thành, sự ủng hộ sẽ được thể hiện thông qua việc giới thiệu sản phẩm của công ty bạn đến những người xung quanh. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp có thêm lượng khách hàng tiềm năng mới và tiếp tục chu kỳ của phễu marketing.
Các bước xây dựng phễu marketing hiệu quả cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể tham khảo các bước xây dựng Marketing Funnel dưới đây:
Phác họa chân dung khách hàng
Chân dung khách hàng là toàn bộ hồ sơ bao gồm các thông tin về sở thích, thói quen mua hàng, đặc điểm về hành vi và các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm. Việc phác hoạ chân dung khách hàng cần dựa vào những dữ liệu thực tế, phân tích thị trường và sự phỏng đoán có cơ sở của người làm marketing. Một số câu hỏi đặt ra là:
- Các điểm đau của khách hàng nằm ở đâu?
- Khách hàng tiềm năng có những đặc điểm chung gì (đặc điểm về hành vi, tâm lý, nhân khẩu học…)?
- Nhu cầu, kỳ vọng và mong muốn của họ là gì?
Xây dựng kế hoạch phù hợp với mỗi giai đoạn
Với mỗi giai đoạn của phễu, doanh nghiệp cần có chiến lược hoạt động phù hợp. Cụ thể:
- Đối với 2 giai đoạn đầu, doanh nghiệp tạo sự chú ý của khách hàng tiềm năng, sau đó tăng độ nhận diện thương hiệu. Phương pháp triển khai phổ biến là đưa ra các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị.
- Ở giai đoạn giữa kỹ năng thuyết phục đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp hãy tư vấn cho khách hàng những nội dung hữu ích, thậm chí, cho phép khách hàng trải nghiệm miễn phí dịch vụ để họ đưa ra quyết định nhanh chóng hơn.
- Cuối cùng, doanh nghiệp chú trọng vào công tác chăm sóc khách hàng, bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm để tạo lượng khách hàng trung thành và tăng thêm lượng khách hàng tiềm năng mới.
Tạo dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững với khách hàng
Để thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các nhu cầu của họ mà còn phải thực sự thấu hiểu khách hàng. Sự chu đáo và chi tiết sẽ khiến khách hàng thấy được họ luôn được quan tâm. Từ đó, mối liên kết giữa khách hàng và doanh nghiệp sẽ trở nên khăng khít hơn.
Thu hút thêm nhiều khách hàng mới và duy trì được lượng khách ổn định luôn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp. Hi vọng, với những thông tin về “Marketing Funnel là gì?”, bài viết đã cung cấp cho các bạn những tham khảo hữu ích. Chúc doanh nghiệp của bạn thành công!