Nghệ thuật lãnh đạo bản thân hay được biết đến với tên gọi “lãnh đạo tự thân” đã trở thành xu hướng được nhiều nhà quản lý trên thế giới quan tâm và áp dụng trong quá trình xây dựng “văn hóa tự làm chủ” trong doanh nghiệp. Hãy cùng Luật Vạn Tin tìm hiểu trong bài viết sau đây với những thông tin cơ bản liên quan đến kỹ năng này nhé!
Lãnh đạo tự thân là gì và tại sao kỹ năng này lại ngày càng trở nên quan trọng?
Lãnh đạo tự thân hay Tự lãnh đạo bản thân được hiểu đơn giản là việc bạn biết mình là ai, biết khả năng của mình có thể làm gì và định hướng con đường mình sẽ theo đuổi trong tương lai. Kỹ năng này gần giống với sự tự chủ của mỗi người trong việc quản lý thời gian, công việc, tài nguyên đang có để sử dụng chúng một cách khoa học.
Nhà thần học Richard Norris từng nói: “Bạn chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình”. Trong bối cảnh hiện nay, khi con người ngày càng có nhu cầu muốn thể hiện và được công nhân nhiều hơn thì những người lãnh đạo tự thân sẽ luôn biết cách tự thúc đẩy mình để thực hiện những hành động có ý nghĩa cho quá trình trở thành một người Leader thực thụ.
Nếu muốn tự lãnh đạo bản thân, đừng bỏ qua 5 cách này
Chiến thắng chính mình luôn là một hành trình đầy thách thức trong sự nghiệp của con người. Vậy làm thế nào để làm chủ bản thân một cách tốt nhất? Sau đây là 5 điều vô cùng quan trọng để lãnh đạo tự thân thành công mà những nhà quản lý không nên bỏ qua:
1. Tinh thần tự giác, kỷ luật và trách nhiệm cao
“Kỷ luật là sức mạnh”. Lãnh đạo tự thân là học cách đưa bản thân mình vào những khuôn khổ, tập sống và làm việc có chế độ khoa học, tập cách thích ứng với mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất để vượt qua. Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Sự chủ động tích cực có thể là một trong những chìa khóa quan trọng giúp hình thành những thói quen tốt, là tiền đề để biến ước mơ thành hiện thực.
Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”. Muốn trở thành một người lãnh đạo tốt, nhất thiết phải nghiêm khắc với bản thân mình. Đặc biệt là khi con người rất dễ rơi vào thỏa hiệp với sự trì hoãn thì lúc đó tinh thần tự giác và trách nhiệm với chính bản thân cần được phát huy tác dụng để ngăn chúng ta lãng quên mục tiêu phía trước. Lãnh đạo tự thân thực chất chính là thấm nhuần nguyên lý tự làm chủ và chuyển hóa điều đó thành hành động thực tế. Những nhà lãnh đạo trẻ đang trên hành trình khẳng định vị thế của mình nhất định không thể bỏ qua vấn đề này.
2. Tìm hiểu chính bản thân mình
Binh pháp đã dạy: Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Trong đó “biết ta” là yếu tố cơ bản, dễ khai thác nhưng lại hay bị bỏ qua nhiều nhất. Khi rèn luyện kỹ năng lãnh đạo tự thân, trước tiên mỗi chúng ta cần phải tìm hiểu thật kỹ về chính mình.
Trước khi bắt đầu hành trình khám phá bản thân, chúng ta có thể đi từ việc đặt câu hỏi và tập trả lời những thắc mắc của chính mình. Điều đó có thể là: Bạn có ước mơ không?; Ước mơ đó là gì?; Bạn muốn trở thành ai trong tương lai?; Hình mẫu mà bạn đang theo đuổi như thế nào?; Bạn đã và đang làm gì để duy trì mục tiêu đó?; Kế hoạch sắp tới của bạn có gì đặc biệt?…
Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp thông qua bài test tính cách MBTI (link bài test: https://mbti.vn/) để quyết định chính xác hơn. Có thể ngay lập tức, bạn không đưa ra một lộ trình chính xác nhưng đó cũng sẽ là kim chỉ nam, bước đầu định hình ước muốn trong tương lai của bạn.
Kỹ năng làm chủ bản thân chỉ có thể phát huy tác dụng trên nền tảng của một tư duy sáng tạo, độc đáo và cởi mở. Bên cạnh đó còn là những định hướng rõ ràng và lường trước những rủi ro có thể đối mặt. Những nhà lãnh đạo của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hiểu về tổ chức của mình từ bao quát cho đến chi tiết, từ đó có sự chuẩn bị thích hợp.
3. Tự tin về những gì mình có
Có rất nhiều người luôn luôn đi tìm những thứ xa vời với bản thân mình ở đâu đó bên ngoài cuộc sống mà lại bỏ quên mất rằng mình đang sở hữu những điều tốt đẹp nhất. Một sức khỏe tốt, một tinh thần minh mẫn, một tư duy sáng rõ và cầu tiến… hay đơn giản là có một gia đình nhỏ, luôn ủng hộ mọi điều chúng ta làm. Đó chính là nền tảng căn bản để mỗi người bắt đầu quá trình tự điều chỉnh bản thân.
Ngừng so sánh mình với người khác, tập trung vào tiếng nói nội tại ẩn sâu trong tâm hồn mình để khám phá nhu cầu cá nhân. Tự tin vào năng lực của mình và tìm hiểu phương pháp để phát huy tận độ điều đó. Một nhà lãnh đạo giỏi không nhất định phải là người có chuyên môn giỏi nhất nhưng phải là người có tinh thần thép, luôn vững vàng trước mọi vấn đề mà mình sẽ gặp phải và xử lý nó một cách thực sự tự tin.
4. Nỗ lực và không ngừng cầu tiến
Trong bất kỳ lĩnh vực nào mà con người theo đuổi, nhân tố quan trọng hàng đầu chính là sự nỗ lực. Đam mê, ước mơ, hoài bão mà không có sự cố gắng hết mình để hoàn thiện thì suy cho cùng cũng không mang lại bất kỳ giá trị nào. Ngược lại nó còn khiến chúng ta thỏa hiệp dễ dàng hơn với khó khăn và trì hoãn.
Lãnh đạo người khác đã khó, lãnh đạo tự thân còn khó hơn gấp bội. Chỉ có nỗ lực bằng 200% sức mạnh, nguồn lực mà mình có mới mong nhận được thành quả tương xứng. Khi bạn quyết tâm, vũ trụ sẽ hợp sức giúp đỡ cho bạn. Tinh thần quyết tâm, ham học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau chính là cách thức giúp bạn từng bước vững chắc hoàn thiện bản thân mình.
5. Kiểm soát cảm xúc
Cảm xúc là kẻ thù số 1 của thành công. Nhất là khi đứng trên cương vị một người lãnh đạo, không nên để cảm xúc cá nhân chi phối quá nhiều. Kỹ năng lãnh đạo bản thân là một nghệ thuật, trong đó đặc biệt quan tâm tới yếu tố kiểm soát cảm xúc. Khó khăn là điều đương nhiên chúng ta sẽ phải đối mặt trong hành trình tự hoàn thiện, muốn trở thành người quản lý tốt, cần nhiều hơn một trái tim nóng là một cái đầu lạnh để giải quyết vấn đề một cách hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, làm lãnh đạo thì không đồng nghĩa với việc sẽ loại bỏ tình yêu, niềm vui hay những xúc cảm của một con người. Quan trọng là không để những yếu tố trên làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến công việc và quá trình chúng ta tự hoàn thiện.
Trên đây là 5 gợi ý của Luật Vạn Tin về xu hướng lãnh đạo tự thân nổi bật trong kỷ nguyên mới. Hy vọng các bạn sẽ bước đầu xây dựng những kế hoạch và lộ trình nhất định trong việc tự rèn luyện bản thân, nâng cao kỷ luật, trách nhiệm và kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, trước hết là với chính bản thân mình. Trên nền tảng đó, bạn sẽ dễ dàng quyết định hướng đi trong tương lai và hiện thực hóa những điều mà mình mong muốn.