Doanh nghiệp thành công hay thất bại phụ thuộc phần lớn yếu tố về nhân sự. Vì vậy, công tác tuyển dụng nhân sự luôn là vấn đề được các công ty chú trọng. Để tuyển được các ứng viên giỏi và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, người phụ trách nhân sự cần phải lập kế hoạch tuyển dụng một cách chi tiết và rõ ràng. Luật Vạn Tin sẽ cùng các bạn tìm hiểu về bản kế hoạch tuyển dụng cũng như các bước để xây dựng kế hoạch tuyển dụng.
Kế hoạch tuyển dụng là gì?
Kế hoạch tuyển dụng được hiểu là bản mô phỏng hoạt động tìm kiếm và chiêu mộ nhân lực theo những tiêu chí mà doanh nghiệp đề ra bao gồm kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và sự phù hợp với môi trường doanh nghiệp.
Thông thường, một bản kế hoạch tuyển dụng đầy đủ và chi tiết sẽ có các thông tin về số lượng nhân viên sẽ tuyển, vị trí tuyển dụng, thời gian dự kiến phỏng vấn, ngân sách ước tính cho đợt tuyển dụng. Ngoài ra, bản kế hoạch về tuyển dụng nhân sự sẽ được phê duyệt bởi giám đốc nhân sự nhằm mục đích giúp ban lãnh đạo khái quát được toàn bộ nhu cầu tuyển dụng của công ty mình.
Sự quan trọng của kế hoạch tuyển dụng đối với doanh nghiệp
Một số vai trò của việc lập kế hoạch tuyển dụng trong doanh nghiệp có thể nêu ra như sau:
Rút ngắn thời gian và giảm chi phí phát sinh trong quá trình tuyển dụng
Với một bản kế hoạch tuyển dụng chi tiết, đầy đủ, người phụ trách sẽ biết sắp xếp thời gian và lịch trình làm việc của mình một cách hợp lý nhất. Khi tiến độ công việc được đảm bảo đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ giảm được các chi phí phát sinh trong quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, việc phân bổ thời gian một cách chặt chẽ như vậy cũng giúp ban lãnh đạo theo dõi được tiến độ tuyển dụng và có những sự hỗ trợ kịp thời.
Đảm bảo tuyển được nhân sự theo đúng yêu cầu đặt ra
Trong bản kế hoạch tuyển dụng, người phụ trách sẽ nêu rõ các yêu cầu, nhiệm vụ cũng như phẩm chất cần có của ứng viên. Điều này sẽ giúp cho quá trình khai thác thông tin từ ứng viên trở nên dễ dàng hơn. Với một số vị trí khó tuyển người, nhà tuyển dụng có thể cân nhắc chấp nhận ứng viên thiếu sót một vài phẩm chất và sẵn sàng đào tạo nhân viên trong quá trình làm việc.
Săn được nhân tài giỏi
Mô tuýp tuyển dụng ở mỗi công ty sẽ khác nhau. Thông thường, các ứng viên sẽ trải qua một số dạng phỏng vấn như làm bài test, xử lý tình huống hoặc thuyết trình về bản thân cũng như các kiến thức và kinh nghiệm từng có. Tất cả các thử thách mà nhà tuyển dụng đưa ra đều nhằm mục đích tìm kiếm được những ứng viên giỏi nhất.
Việc tìm kiếm và “săn” nhân tài rất được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chú trọng. Nếu nhà tuyển dụng nhận thấy được các ứng viên giỏi, nhanh nhạy thì họ sẽ đưa ra các lời đề nghị hấp dẫn để bằng mọi giá chiêu mộ được người tài.
8 bước lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự hiệu quả cho doanh nghiệp
Nhà quản trị nhân sự có thể tham khảo các bước xây dựng kế hoạch tuyển dụng dưới đây:
1. Xác định nhu cầu tuyển dụng
Một số công việc cần làm để xác định nhu cầu tuyển dụng của công ty như sau:
- Đánh giá chính sách lương, thưởng và khả năng thăng tiến của nhân viên.
- Tính toán tỷ lệ người lao động nghỉ việc trong khoảng thời gian gần đây.
- Tìm hiểu về quy mô của công ty dự kiến sẽ phát triển trong tương lai.
- Xác định các phòng ban cần bổ sung nhân sự.
2. Đánh giá tình hình thực tế về nhân sự của công ty
Đánh giá thực tế tình hình nhân sự tại công ty sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định được mình đang thừa nhân sự ở bộ phận nào và cần bổ sung nhân sự ở bộ phận nào. Từ đó, người quản trị nhân sự có thể đưa ra các quyết định về luân chuyển nhân sự hay buộc phải tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đánh giá tình hình nhân sự cũng giúp doanh nghiệp nhìn nhận lại các vấn đề về chế độ đãi ngộ, phúc lợi để có những điều chính phù hợp nhằm đem lại những quyền lợi cần thiết cho nhân viên.
3. Lập bản kế hoạch về tuyển dụng nhân sự
Bản kế hoạch nhân sự cần được lập bằng văn bản và thể hiện rõ các nội dung sau đây:
- Số lượng nhân sự.
- Vị trí tuyển dụng.
- Dự trù về chi phí cho đợt tuyển dụng.
- Mô tả về công việc cùng các yêu cầu đối với ứng viên
- Mức lương
- Các thông tin khác như thời gian làm việc, thông tin về công ty…
4. Xác định tiêu chí về nhân sự cho từng vị trí
Trong bản kế hoạch tuyển dụng, việc xác định rõ phẩm chất và kỹ năng cần có của ứng viên là vô cùng quan trọng. Điều này tránh được tình trạng tuyển sai người, sai vị trí dẫn đến tốn nhiều thời gian và chi phí tuyển dụng. Bộ phận nhân sự hoặc người trực tiếp tuyển dụng có thể cần đến sự tư vấn của trưởng phòng của vị trí cần tuyển để đưa ra một cách chính xác nhất các tiêu chí cho từng ứng viên.
5. Lên ngân sách cho đợt tuyển dụng
Một số chi phí doanh nghiệp có thể phải bỏ ra cho đợt tuyển dụng là:
- Chi phí tìm kiếm nhân sự trên nền tảng mạng xã hội.
- Chi phí cho các đơn vị tuyển dụng trung gian.
- Chi phí để tổ chức phỏng vấn.
- Chi phí dành cho nhân sự HR.
- Các chi phí khác.
6. Xây dựng bản mô tả tuyển dụng
Đây là cách tốt nhất để thu hút các ứng viên. Song song với việc đưa ra các yêu cầu và kỳ vọng của đối với các vị trí thì nhà tuyển dụng cũng nên nhấn mạnh vào các quyền lợi mà ứng viên sẽ được hưởng nếu trúng tuyển. Một số lợi ích có thể kể đến như chế độ lương, thưởng, phúc lợi, chế độ bảo hiểm xã hội, môi trường làm việc thân thiện, du lịch hàng năm…
7. Thiết lập quy trình tuyển dụng
Một quy trình tuyển dụng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp nói chung và người tuyển dụng trực tiếp nói riêng phân loại và lựa chọn được các ứng viên sáng giá. Các điểm mạnh và điểm yếu của từng ứng viên sẽ được thể hiện thông qua buổi phỏng vấn hoặc các bài test đã được nhà tuyển dụng chuẩn bị trước. Khi đó, doanh nghiệp không những giảm đáng kể tỷ lệ tuyển dụng sai mà còn rút ngắn được thời gian tuyển dụng.
8. Học hỏi kinh nghiệm thực tế
Không có bài học nào hay hơn bài học kinh nghiệm thực tế. Sau khi hoàn thành tốt các công việc, phòng nhân sự sẽ ngồi lại cùng nhau để đánh giá và rút ra thêm những kinh nghiệm cho những lần tuyển dụng tiếp theo. Điều này sẽ giúp ích cho việc lên kế hoạch tuyển dụng của bạn sau này.
Có thể nói, kế hoạch tuyển dụng sẽ giúp cho quá trình tuyển dụng nhân sự được nhanh và hiệu quả hơn. Hi vọng với những thông tin bài viết cung cấp trên đây, các bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về các bước để lên một bản kế hoạch tuyển dụng cũng như vai trò của chúng trong công tác quản trị nhân sự. Chúc các bạn vui vẻ!