HRM ra đời nhằm giảm thiểu những áp lực và gánh nặng cho người lãnh đạo trong công việc quản trị nguồn nhân lực của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên lựa chọn một hệ thống HRM phù hợp với quy mô và lĩnh vực kinh doanh của mình. Sau đây, Luật Vạn Tin sẽ cùng các bạn tìm hiểu về HRM là gì cũng như lý giải vì sao doanh nghiệp nên sử dụng HRM.
Quản trị nguồn nhân lực – HRM là gì?
HRM là 3 chữ cái đầu tiên của cụm từ tiếng anh Human Resource Management – quản trị nguồn nhân lực. Nó bao gồm toàn bộ các quyết định, vấn đề liên quan đến con người trong công ty như tuyển dụng, phân công công việc, điều chuyển công tác, lương, phúc lợi, khen thưởng… Chính vì nội hàm quản lý của HRM khá rộng và phức tạp nên doanh nghiệp cần có những công cụ hỗ trợ để giải quyết các vấn đề về HRM một cách hiệu quả nhất.
HRM đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta cùng lấy một ví dụ đơn giản như sau:
Doanh nghiệp A chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện máy tính. Ban lãnh đạo xây dựng mức lương đối với các công nhân tại bộ phận sản xuất trực tiếp là 8.000.000 đồng. Ngược lại, với các chuyên gia, mức lương có thể lên tới vài chục triệu đồng. Ở đây, ta thấy được cách mà người lãnh đạo vận hành hệ thống quản trị nhân lực: mức lương phụ thuộc vào trình độ học vấn, kinh nghiệm và chuyên môn của người lao động.
Các mục tiêu mà HRM hướng tới là gì?
HRM hướng tới các mục tiêu chính sau đây:
- Mục tiêu về xã hội: Doanh nghiệp đảm bảo các vấn đề về pháp lý như trả công bình đẳng và trao cơ hội bình đẳng cho mỗi nhân viên.
- Mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp: Mục tiêu đưa ra là hiệu quả công việc được đảm bảo một cách tối ưu nhất. Các chính sách bao gồm chính sách về đào tạo người mới, giữ chân những người cũ có năng lực tốt và thuê đúng số lượng nhân viên cần thiết.
- Mục tiêu về chức năng: Đảm bảo rằng nguồn nhân lực được vận dụng hết tiềm năng của họ.
- Mục tiêu cá nhân: Đảm bảo các quyền lợi cho nhân viên cũng như duy trì sự hài lòng của họ trong quá trình làm việc.
Tầm quan trọng của người quản trị nguồn nhân lực đối với doanh nghiệp và cá nhân
Song song với việc áp dụng HRM thì người quản trị cũng đóng vai trò quan trọng, cụ thể:
- Đối với doanh nghiệp: Quản trị nhân sự tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ thu hút thêm và giữ chân được những người tài giỏi. Một chính sách đãi ngộ ổn, đứng về quyền lợi của người lao động nhưng vẫn tối ưu được chi phí cho doanh nghiệp là điều mà các nhà quản trị luôn cố gắng đạt được.
- Đối với cá nhân: Người lãnh đạo giỏi trong chuyên môn, tốt trong quản trị sẽ khiến cấp dưới khâm phục và trung thành. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp nói chung và bản thân HR nói riêng bởi nhân viên có cống hiến hết mình thì doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Quy trình HRM – Quản trị nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
Việc ban hành quy trình quản trị nhân lực thường được thực hiện bởi giám đốc nhân sự hoặc trưởng phòng hành chính nhân sự. Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy trình và các bước HRM khác nhau. Thông thường, một quy trình HRM tiêu chuẩn sẽ bao gồm các bước sau:
1. Tuyển dụng người lao động
HR là người nắm rõ nhất doanh nghiệp mình muốn tìm kiếm nhân sự như thế nào và nhiệm vụ của họ là lựa chọn đúng người trong số các ứng cử viên đó. Đầu tiên, họ sẽ xây dựng một bản mô tả công việc theo từng vị trí tuyển dụng, sau đó tiến hành phỏng vấn và sàng lọc ứng viên phù hợp.
2. Lựa chọn
Sự lựa chọn ở đây sẽ được hiểu theo 2 khía cạnh. Một là phía nhà tuyển dụng và hai là phía người lao động.
- Về phía nhà tuyển dụng: Khi kết thúc quá trình phỏng vấn và ứng viên trở thành nhân viên thử việc, hãy tiếp tục thử thách họ để đánh giá được chính xác nhân viên có thật sự phù hơp với môi trường và vị trí công việc hiện tại hay không. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng giúp người mới ổn định được công việc, giới thiệu đến họ văn hóa doanh nghiệp và bắt đầu quy trình đào tạo nội bộ
- Về phía nhân viên: Các bạn là người có quyền lựa chọn môi trường làm việc của mình. Hãy gắn bó và cống hiến với nơi mà bạn thật sự cảm thấy hài lòng và thoải mái bởi chỉ khi tâm lý vui vẻ thì hiệu suất làm việc mới có thể được nâng cao.
3. Đào tạo và phát triển nhân lực
Trao cho nhân viên cơ hội để trau dồi kiến thức và phát triển những kỹ năng cũng là tạo cho doanh nghiệp cơ hội để phát triển. Đào tạo ở đây có thể hiểu là đào tạo nội bộ (người cũ hướng dẫn người mới) hoặc tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo chuyên sâu.
- Về đào tạo nội bộ: Người quản lý trực tiếp lên giáo án đào tạo và hướng dẫn người mới. Trong quá trình này, chúng ta nên khuyến khích người mới học hỏi từ thực tế và những người đi trước. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, công việc đào tạo nội bộ chủ yếu do những nhân viên cũ chỉ bảo và hướng dẫn.
- Về đào tạo phi nội bộ: Ở đây được hiểu là doanh nghiệp bỏ ra một khoản chi phí để đào tạo nhân viên và ràng buộc nhân viên phải cống hiến trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta gặp hình thức này thông qua quá trình tu nghiệp ở nước ngoài hoặc một khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn.
4. Cải thiện hiệu suất làm việc
Một số công việc cụ thể mà nhà quản trị cần phải làm trong bước cuối cùng này, đó là lập các kế hoạch về nhân sự, đánh giá hiệu suất làm việc của từng nhân viên và tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ.
- Lập kế hoạch về nhân sự: Việc lên kế hoạch về số lượng nhân sự trong tương lai sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp luôn đáp ứng được nguồn nhân lực cần thiết. Ví dụ: trong giai đoạn sắp tới, doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, công ty cần thêm số lượng công nhân ở bộ phận sản xuất. Nhiệm vụ của giám đốc nhân sự là lên kế hoạch về số lượng nhân sự cần tuyển dụng.
- Đánh giá hiệu suất làm việc: Đánh giá thường xuyên hiệu quả công việc mà nhân viên đạt được theo chu kỳ kinh doanh sẽ tạo nên sự công bằng giữa các nhân viên. Từ đó, doanh nghiệp cũng đưa ra mức khen thưởng phù hợp nhất.
- Nuôi dưỡng các mối quan hệ: Sự cạnh tranh và ghen ghét nhau không phải hiếm gặp ở các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Nhiệm vụ của nhà quản trị nhân sự là dung hòa được các mối quan hệ và giải quyết các xung đột một cách hợp tình hợp lý nhất.
Quản trị nguồn nhân lực chưa bao giờ là điều dễ dàng với các doanh nghiệp. Mong rằng, với những thông tin về HRM là gì trên đây, các nhà lãnh đạo sẽ có được những tham khảo hữu ích cho mình. Chúc các bạn thành công!