Doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả cao, sự thống nhất, đồng bộ trong công việc thì nhất thiết cần phải tạo được sự gắn kết giữa các nhân viên. Vậy bí quyết thực hiện điều này nằm ở đâu, hãy cùng Luật Vạn Tin tìm hiểu ngay sau đây!
1. Sự gắn kết nhân viên (Employee Engagement) là gì?
Sự gắn kết hay nói cách khác là sự tương tác giữa các nhân viên được đánh giá dựa trên mức độ nhiệt tình và cống hiến mà một nhân viên cảm thấy đối với công việc của mình.
Theo Quantum Workplace: Sự gắn kết nhân viên là tổng hợp, kết nổi của sức mạnh thể chất và tinh thần người lao động với công việc mà họ làm.
Gallup nhấn mạnh: Sự gắn kết nhân viên dựa trên cơ sở của sự gắn bó, cảm thông và tận tâm với doanh nghiệp, tổ chức.
Còn Willis Towers Watson cho rằng: Sự tương tác giữa nhân viên thể hiện qua sự sẵn lòng và khả năng có thể đảm đương công việc một cách suôn sẻ.
Dù cách định nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung, những người này rất quan tâm, gắn bó và chú tâm đến hiệu năng của công việc mình đang làm cũng như luôn chứng minh, khẳng định dấu ấn của mình với tổ chức. Họ đến với công ty không chỉ vì đồng lương mà có thể coi đơn vị mình cống hiến như ngôi nhà thứ hai. Điều này chính là chìa khóa tạo nên sự phát triển vững mạnh của nhiều công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới.
2. Sự gắn kết giữa các nhân viên đem lại những gì cho doanh nghiệp?
2.1. Thúc đẩy sự tăng trưởng vững mạnh của doanh nghiệp
Theo báo cáo của Quantum Workplace năm 2021, 92% các giám đốc điều hành doanh nghiệp tin rằng những nhân viên gắn bó hoạt động tốt hơn, thúc đẩy sự thành công của nhóm và kết quả của tổ chức của họ.
Đây chỉ là một trong số những minh chứng cho thấy việc gắn kết giữa các cá nhân thực sự mang lại hiệu quả bất ngờ cho tổ chức họ cống hiến. Khi nhân viên thực sự gắn bó với công việc mà họ theo đuổi, họ sẽ có xu hướng nỗ lực hết mình để đạt được điều mình mong muốn. Họ không chỉ hoàn thành công việc được giao mà còn muốn được làm thêm, học hỏi thêm để tích lũy kinh nghiệm ngoài những yêu cầu cơ bản. Những người này mong muốn được công nhận và nỗ lực có được sự ghi nhận này từ cấp trên.
Khi các lãnh đạo và quản lý cho họ thấy họ có sự cố gắng và đang đi đúng hướng, điều đó sẽ kích thích mạnh mẽ hơn nhiệt huyết trong họ, từ đó đem đến một loạt tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.
2.2. Nâng cao năng suất và khả năng giữ chân nhân viên
Nghiên cứu trên cũng cho thấy những nhân viên gắn bó có năng suất cao hơn 17% so với đồng nghiệp của họ. Họ có nhiều khả năng làm việc siêng năng hơn và nỗ lực hết mình trong công việc của họ.
Theo như thông tin từ Gallup, doanh nghiệp có sự gắn kết nhân viên có mức năng suất cao hơn 22% so với doanh nghiệp thiếu vắng mối liên hệ hoặc liên hệ hết sức rời rạc.
Ai cũng biết rằng con người có xu hướng lựa chọn sự ổn định, lâu dài, bền vững khi đã tìm được nơi thích hợp. Nếu doanh nghiệp có khả năng xây dựng một nền văn hóa tốt, một môi trường đủ cởi mở, sáng tạo và tôn trọng, những nhân viên gắn bó sẽ không lựa chọn rời đi. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục ở lại và đóng góp nhiều hơn cho công ty.
Họ hiểu và trả lời được 3 câu hỏi:
– Tôi có đang được công nhận vì đóng góp của mình không? / Tôi có ích cho tổ chức của tôi không ? / Nỗ lực của tôi có vô nghĩa không ?
– Tôi có triển vọng hay tiềm năng trong tương lai không ? Nếu có thì đó là gì ? Cơ hội mà tôi nhận thấy là gì ?
– Khi nào tổ chức cần có sự thay đổi ? Tại sao lại xảy ra điều này ? Lúc đó tôi cần làm gì ?
Vì vậy họ sẽ chăm chỉ, siêng năng và có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp
2.3. Gia tăng tỉ lệ hài lòng của khách hàng
72% giám đốc điều hành hoàn toàn đồng ý rằng các tổ chức có nhân viên gắn bó với công việc cao sẽ khiến những khách hàng cảm thấy hài lòng. Các nhân viên gắn bó quan tâm sâu sắc đến công việc của họ và trong đó có khách hàng, đối tác mà họ đang chăm sóc.
Điều này sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của công ty thêm suôn sẻ. Bởi khi khách hàng nhìn thấy sự trung thành, gắn kết của một cá nhân với cá nhân, cá nhân với doanh nghiệp, họ cũng sẽ cảm nhận được sự an tâm, chuyên nghiệp và tin tưởng với tổ chức đó hơn là những nơi thiếu vắng sự tương tác.
Theo báo của Aon Hewitt – nhà cung cấp vốn nhân lực và dịch vụ tư vấn quản lý tại Mỹ, mức độ gắn kết nhân viên tăng 1% sẽ nâng doanh thu 0.6%.
3. Các yếu tố gia tăng sự gắn kết và cách để xây dựng sự kết nối giữa nhân viên
Sự gắn kết không phải là một yếu tố có tính hình thức mà xuất phát từ sự thay đổi ngay từ bên trong. Điều này đạt được khi con người được đáp ứng ít nhất 5 nhu cầu cơ bản ngay sau đây
3.1. Được làm việc đúng theo nguyện vọng
Nhiều người nghĩ rằng nếu cứ trả cho nhân viên một mức lương hậu hĩnh là họ sẽ hoàn toàn gắn bó với công ty cho đến cuối đời. Tuy nhiên điều này lại không hẳn chính xác. Nếu như công việc gò bó, không đúng chuyên môn, họ phải làm việc trong môi trường thiếu lành mạnh hoặc không như ý muốn, thì sớm hay muộn họ cũng sẽ rời đi để lựa chọn một nơi khác phù hợp hơn với mình, với sở thích, năng lực và nguyện vọng.
Cách để giữ chân nhân viên trong thời điểm này đó là các nhà quản lý lãnh đạo nên có cái nhìn khách quan nhưng chân thật, tinh tế, chú ý quan tâm và ghi nhớ những vấn đề liên quan đến nhân viên của mình để phân công công việc một cách hợp lý, tránh tình trạng người nào đó phải làm công việc trái với chuyên môn và sở nguyện của họ.
3.2. Được tạo cơ hội phát triển bản thân theo hướng mình muốn
Ở độ tuổi nhất định người ta thường có xu hướng nhìn và đặt sự đối sánh, tưởng tượng bản thân trong tương lai. Nếu một nhân viên cảm nhận và phán đoán được tương đối rõ ràng hướng đi của họ trong tương lai mà phần nhiều lý do giúp họ làm được điều này là từ doanh nghiệp thì chắc chắn họ sẽ gắn bó với công ty hơn nhiều. Ngược lại, nếu họ thấy khi làm việc tại tổ chức, họ không thể biết được bản thân hợp với điều gì hay học được bài học gì quý giá, họ sẽ hoài nghi và sớm tìm ra một lựa chọn khác.
Để làm được điều này thì công ty, doanh nghiệp nên tạo điều kiện để các cá nhân sáng tạo, được tự do tìm kiếm cơ hội, thậm chí được thể hiện năng khiếu của bản thân để tìm hướng đi phát triển mình
3.3. Được làm việc với một quản lý chu đáo
Một trong những khám phá lớn nhất của Gallup: chỉ riêng người quản lý hoặc trưởng nhóm đã chiếm 70% sự khác biệt trong sự tham gia của nhóm.
Ai cũng muốn được làm việc cùng với một lãnh đạo không chỉ năng lực chuyên môn xuất sắc mà còn là người tâm lý, ân cần, chu đáo, quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên trong nhóm, phòng ban hay doanh nghiệp. Nhân viên có xu hướng ảnh hưởng nhiều và học hỏi từ sếp của họ, vì vậy việc làm gương và thể hiện tình cảm, thái độ chân thành, đúng mực của quản lý với nhân viên có thể đem đến nhiều hiệu quả.
3.4. Được tương tác thường xuyên với người xung quanh
Nhiều báo cáo mới đây về tình hình đại dịch COVID-19 cho thấy có rất nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ gặp các vấn đề tâm lý do không được tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong một thời gian dài. Họ thường mệt mỏi, lo âu, thậm chí có những biểu hiện về trầm cảm.
Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của việc tương tác thường xuyên. Việc này khiến cho tinh thần nhân viên của bạn luôn thoải mái, vui vẻ, có hứng thú hơn thay vì phải im lặng chịu đựng nỗi đau mà không có ai để sẻ chia.
3.5. Được ghi nhận
Như đã nói, con người luôn có nhu cầu được ghi nhận, chính sự tuyên dương này giúp cho mỗi nhân viên có động lực làm việc, phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra.
4. Làm thế nào để gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên?
Câu hỏi lớn đặt ra ở đây đó chính là làm thế nào để gia tăng sự gắn kết tự nhiên giữa các nhân viên với nhau trong cùng một môi trường làm việc. Và theo như nghiên cứu của trang thông tin HRM, 4 bước sau có thể là lựa chọn hợp lý cho bạn:
Bước 1 – Phân công nhiệm vụ đúng người
Hãy đảm bảo bạn lựa chọn công việc và giao nó cho đúng người. Người đó không chỉ có sự yêu thích trong nhiệm vụ này mà còn có khả năng trong việc thực hiện công việc một cách tốt nhất. Khi được làm việc mình thích, đúng chuyên môn, hiệu suất sẽ được nâng cao lên nhiều lần
Bước 2 – Thực hiện training, hướng dẫn, đào tạo cho nhân sự
Các nhà lãnh đạo hiểu rằng nhân sự là tài sản quý giá nhất của một công ty. Thế nhưng không phải lãnh đạo nào cũng biết cách giữ chân người tài, phát triển cái tài của họ để họ cống hiến cho tổ chức. Đôi khi do cách quản lý chưa phù hợp hoặc có nhiều bất đồng nên những nhân sự cốt cán lần lượt rời đi.
Và để tạo nguồn lực mạnh mẽ mới thì cần phải trải qua đào tạo, hướng dẫn. Bước này không chỉ giúp nâng cao trình độ nhân sự mà còn giúp tạo kết nối tự nhiên giữa cá nhân với vai trò là người đồng hành đáng tin cậy.
Bước 3 – Lắng nghe nhiều hơn
Sống chậm, nghĩ khác, nghe nhiều… Sống trong thời đại khi mà mọi biến chuyển đều diễn ra chỉ trong khoảnh khắc, không dễ để có lúc ta sống chậm lại để lắng nghe nhiều hơn. Trong doanh nghiệp, muốn tạo được sự sẻ chia thì nhất định phải lắng nghe lẫn nhau, không có sự phân biệt cấp trên cấp dưới. Bởi họ cùng nhau làm việc, gặp nhau 8 tiếng một ngày, chắc chắn sẽ có nhiều điều cần giải tỏa. Điều này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo nên sợi dây liên kết lớn.
Bước 4 – Khảo sát thường xuyên về mức độ tương tác
Có nhiều cách để thảo luận cùng nhau xem hoạt động này đã diễn ra đủ tốt chưa như điền form, quay video clip, ăn uống nói chuyện.. hoặc đơn giản là quan sát sự thay đổi từng ngày tại doanh nghiệp.
Các nhà quản lý thành công luôn minh bạch trong cách tiếp cận của họ để cải thiện sự tương tác – họ luôn nói về vấn đề này với nhóm của mình. Họ tổ chức các cuộc họp “trạng thái gắn kết” và “thu hút” mọi người vào cuộc thảo luận – và các giải pháp.
Một lần nữa, những nguyên tắc này không phức tạp, nhưng phải được ưu tiên. Các công ty nắm được quyền này sẽ mang lại lợi nhuận tài chính lớn hơn, vượt qua các đối thủ cạnh tranh và dễ dàng leo lên đầu danh sách “những nơi tốt nhất để làm việc”.
Trên đây là những thông tin về bí quyết tạo nên sự gắn kết giữa các nhân viên trong doanh nghiệp. Hy vọng những thông tin hữu ích trên có thể giúp doanh nghiệp của bạn ngày một gắn bó, đoàn kết để gặt hái nhiều thành công trong tương lai.